Một Thế Giới Không Có Đàn Bà” của Bùi Anh Tấn đã phơi bày một thực tế đang có mặt bên cạnh cuộc sống của đa số công chúng: cuộc sống của những người sinh ra đã bị đồng tính luyến ái…Tiểu thuyết mở đầu bằng một án mạng, nạn nhân là một nhà khoa học độc thân, có uy tín. Trong suốt 500 trang sách, quá khứ của nhà khoa học – nạn nhân này được lật lại bằng những hoạt động nghiệp vụ của các sĩ quan công an, mở ra một thế giới lạ lùng phía sau ánh đèn vũ trường, nhà hàng, quán xá và những điểm hay lui tới của giới đồng tính. Vấn đề nhạy cảm này hiện đã khá phổ biến trong nước, nhưng trên thực tế vẫn còn là những quan điểm tranh luận chưa thống nhất giữa các nhà đạo đức, tâm lý, xã hội, giáo dục, luật pháp, tôn giáo…
“Cốt truyện của “Một thế giới không có đàn bà” quả nhiều thắt nút, nhiều cao trào vực xoáy, tóm lại là nhiều tình huống kịch tính. Một cốt truyện hình sự đan xen một cốt truyện tâm lý.
Tác giả tỏ ra là người am tường tâm lý học, xã hội học và tội phạm học những khoa học liên ngành rất cần thiết cho hoạt động của cơ quan chức năng như ngành Công an. Nhưng hơn hết, anh là một nhà văn muốn nhìn con người từ góc độ “nhân học”” (Nhà phê bình Bùi Việt Thắng)
“Thế giới ấy đáng được biết đến, đáng được thông cảm hơn người ta tưởng. Cuốn sách đã phơi bày một thực tế đang có mặt bên cạnh cuộc sống của đa số công chúng: cuộc sống của những người sinh ra đã bị đồng tính luyến ái. Đề tài mới lạ trong văn học Việt Nam và hoàn toàn không dễ viết, chỉ cần non tay một chút có thể trở thành bất cập, còn lơi tay một chút sẽ dẫn đến thái quá. Bùi Anh Tấn đã tránh được cả hai, với cấu trúc thật sự của tiểu thuyết, cách dẫn truyện, diễn đạt và nhất là khả năng thâm nhập nội tâm nhân vật.(Nhà văn Ngô Thị Kim Cúc)